Quốc thái mẫu Trịnh_Thị_Ngọc_Lữ

Sau khi kháng chiến thắng lợi (năm 1428), Lê Lợi lên ngôi vua, phong cho Lê Tư Tề tước vị Quận vương, rồi ban cho kim sách tạm lập làm Quốc vương trông coi việc nước. Bà Ngọc Lữ vì thế được phong làm Quốc thái mẫu[7]. Lúc bây giờ, nhà vua nhiều bệnh nên giao việc chính sự cho Quốc vương Tư Tề quyết định, nhưng Tư Tề hay giết bừa các tỳ thiếp, bị cho là mắc bệnh điên nên dần không được lòng vua cha[4].

Năm Thuận Thiên thứ 6 (1833), vua gọi Thiếu úy Lê Khôi vào điện bàn việc lập người kế vị. Khôi cho là nên lập hoàng tử thứ hai là Nguyên Long (tức vua Lê Thái Tông sau này), con của bà Ngọc Trần, làm Thái tử. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, vua giáng Tư Tề xuống tước Quận vương, ban chiếu lập Nguyên Long kế thừa đại thống[4]. Trịnh Quốc mẫu cũng bị giáng làm Quận vương mẫu[7].

Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), có đám thị nữ đến tâu với vua Lê Thái Tông rằng, Quận vương Tư Tế tỏ ra bất mãn, hay nói điều càn gở[4]. Đến năm thứ 5 (1438), vua phế truất Tư Tề làm thứ dân, bà Ngọc Lữ cũng bị giáng làm Thần phi[7]. Tư Tề mất ngay cùng năm đó.

Kể từ đó, Trịnh Thần phi không còn được sử sách nhắc đến. Bà mất vào khoảng những năm Thái Hòa (14431453) dưới thời vua Lê Nhân Tông. Đền thờ của bà Thần phi được dựng ngay tại quê nhà ở Thanh Hóa.